Trên thị thường hiện vẫn tồn tại 2 dòng RAM là DDR2 và DDR3 trong đó DDR2 được sử dụng nhiều trong các mẫu laptop cũ, xuất hiện trong khoảng 3 năm trở về trước và DDR3 dùng trong các mẫu laptop mới hơn. Xét cùng mức dung lượng thì DDR2 có giá gần gấp đôi so với DDR3 nhưng hiệu năng thấp hơn đáng kể. Tuy nhiên, tùy thuộc máy tính (hoặc bo mạch chủ) hỗ trợ loại RAM nào thì khi nâng cấp, bạn phải chọn loại RAM tương ứng.

Nếu bo mạch chủ chỉ hỗ trợ RAM DDR2 thì bạn không thể thay thế bằng RAM DDR3 và ngược lại.
Để xác định chủng loại, dung lượng RAM và số khe cắm đang sử dụng, tải về một trong các tiện ích miễn phí như CPU-Z hoặc HWinfo64. Ngoài việc cung cấp những thông số quan trọng của bo mạch chủ, bộ xử lý, card đồ họa và bộ nhớ (RAM) thì HWinfo64 còn giúp nhận biết chủng loại, dung lượng RAM và số khe cắm đang sử dụng.

Với nhu cầu sử dụng trong văn phòng hoặc gia đình, bạn có thể chọn dòng RAM phổ thông của những thương hiệu quen thuộc trên thị trường như Corsair, G.skill, Kingston, OCZ, Kingmax. Tuy nhiên, bạn cũng đừng tiết kiệm khi lựa chọn vì RAM chất lượng kém hoặc bị lỗi sẽ gây nhiều phiền toái trong quá trình sử dụng. Nếu cần hiệu năng cao, tính ổn định, các nhà sản xuất RAM cũng có sẵn những bộ kit 2 thanh (dual channel). Đây là những cặp RAM đồng nhất về chất lượng, cùng số lượng chip nhớ, thông số kỹ thuật được tối ưu nhằm đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định trong thời gian dài.
Lưu ý trước khi thực hiện
Như đã đề cập, việc nâng cấp RAM khá đơn giản nhưng không vì thế bạn lại bỏ qua một số nguyên tắc cơ bản. Điều không thể thiếu trước khi bắt tay vào việc là nên đọc kỹ tài liệu đi kèm với phần cứng (user guide). Lưu ý những ghi chú, hướng dẫn quan trọng để tránh trả giá cho những sai lầm (đôi khi rất đắt).
Khử tĩnh điện: Khử tĩnh điện luôn là việc phải thực hiện trước khi “đụng” đến phần cứng. Đeo vòng khử tĩnh điện theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc thường xuyên chạm vào thùng máy để cân bằng tĩnh điện trong người. Giữ RAM trong hộp bảo vệ cho đến khi sử dụng. Cầm RAM ở cạnh bên và tránh chạm vào các chip nhớ, chân cắm. Ngoài ra, bạn cũng tránh đặt má tính trên thảm khi lắp ráp.
Lắp đặt đúng cách: Bạn phải chắc chắn nắm vững cách tháo lắp thiết bị phần cứng, tham khảo tài liệu hướng dẫn đi kèm hoặc tìm thông tin tại website của nhà sản xuất trong trường hợp cần thiết.
Chú ý tem bảo hành: Nếu máy tính còn trong thời gian bảo hành, cần tránh làm rách “tem bảo hành” khi tháo ráp. Tốt nhất, bạn nên liên hệ nơi bán hoặc bộ phận hỗ trợ kỹ thuật của hãng khi cần nâng cấp RAM.
Các bước nâng cấp
Tắt nguồn, tháo pin và mở nắp đậy vị trí gắn RAM ở mặt dưới (thường có biểu tượng thanh RAM hoặc ký hiệu chữ M - viết tắt của Memory).
Để gỡ bỏ RAM cũ, đẩy chốt gài kim loại ở 2 đầu khe cắm cho đến khi thanh RAM bật ra và nhẹ nhàng kéo thẳng ra
Đặt RAM mới vào cùng chiều, cùng góc độ như RAM cũ và ấn nhẹ xuống cho đến khi nghe tiếng “tách” hoặc chốt gài 2 đầu khe cắm đã giữ chặt thanh RAM.
Cấp nguồn, khởi động máy tính kiểm tra kết quả. Hãy chắc chắn mọi thứ hoạt động tốt trước khi đóng nắp đậy và lắp lại pin.